Tin Tức Cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam được gì sau mỗi mùa Pride?

V

Vinhconheo

#1
Cứ mỗi dịp tháng 9, các bạn trẻ, đặc biệt là người LGBT+ trên khắp cả nước lại rộn ràng cho một ngày hội lớn quan trọng: các sự kiện Pride. Khởi đầu với Vietpride và giờ đây lan sang các tỉnh thành với những tên riêng như Hanoi Pride, Saigon Pride, mùa Pride giờ đây đã không còn gói gọn trong một lộ trình diễu hành hay các hoạt động đơn lẻ. Qua từng năm, các hoạt động của cộng đồng lại đa dạng và phong phú, số lượng người tham dự cũng đông hơn với sự chung tay của nhiều các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Nếu những thứ tạm coi là "bề nổi" có thể đại diện cho giá trị của một tổ chức hay sự kiện thì ắt hẳn, mỗi năm Pride lại thành công và ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên.

Công chúng nói chung và bản thân nhiều người trong cộng đồng cũng tự hỏi, liệu sau mỗi mùa Pride như vậy, cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam sẽ được thêm điều gì? Trên không gian mạng, cộng đồng dị tính cũng tranh luận sôi nổi hơn khi thấy các sự kiện Pride ngày càng rầm rộ, rằng họ cũng có nên tổ chức "ngày tự hào dị tính"? Đâu đó vẫn có những bình luận kiểu "màu mè" "làm quá". Thỉnh thoảng cũng có những ý kiến cho rằng, Hanoi Pride hay Saigon Pride không mang nhiều giá trị thông điệp, chủ yếu là một chỗ để cho những người trẻ LGBT+ vui chơi thỏa thích. Xen lẫn giữa vô vàn bình luận tích cực vẫn có những lời nhận xét tiêu cực như vậy, không quá ít hay khó để nhận ra.



Có hai điều đáng để suy nghĩ trong câu chuyện trên. Thứ nhất, để đo đếm hiệu quả thành công của một sự kiện cộng đồng với nhiều ý nghĩa như các tuần lễ tự hào Pride quả thực sẽ rất khó; giả dụ mục đích chính để nâng cao nhận thức của cộng đồng LGBT thì chúng ta sẽ đo đếm, lấy mẫu như nào để biết rằng nhận thức của mọi người tăng?

Thứ hai, tôi hoàn toàn tin rằng mục đích của các ngày Pride không phải nhằm hướng tới công chúng trước mà là cơ hội để những người trong chính cộng đồng LBGT+ có thể lên tiếng, bày tỏ quan điểm, thể hiện đúng bản sắc… Một khi họ trả lời được câu hỏi "Tôi là ai?" thì họ mới có thể giúp mọi người trả lời câu hỏi "Họ là ai? Những người trong hành trình diễu hành đó là ai?".



Hanoi Pride


Suy cho cùng, dù mong muốn thay đổi nhận thức của xã hội nói chung là một điều quan trọng nhưng người thụ hưởng và được lời nhiều nhất trong hành trình này vẫn là cộng đồng LGBT+.

Vậy với cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam, sau mỗi mùa Pride, họ được gì? Họ nhìn thấy những chuyển biến tích cực gì trong xã hội hay nỗ lực của họ đang được cụ thể hóa, dần thành hình như thế nào? Câu chuyện này, có lẽ cần thêm những ý kiến, quan điểm từ cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam.



Tôi có dịp trò chuyện với Trần Nhật Quang, hiện đang là Thư ký Đối ngoại cho sự kiện Hanoi Pride và thành viên Ban điều hành Hà Nội Queer. Là một người trẻ đã gắn bó với các sự kiện cho cộng đồng LGBT+ trong nhiều năm, Quang đã có những chia sẻ về câu chuyện "được gì" sau mỗi mùa Pride. Dù tiếng nói của từng con người không đại diện cho cả cộng đồng, hành trình gắn bó với các sự kiện LGBT+ Việt Nam cũng giúp bạn hiểu được phần nào bức tranh Pride nhiều năm qua.

"Đó là câu hỏi bọn mình cũng thảo luận khá lâu khi mới bắt đầu ngồi với nhau để cùng làm nên Hanoi Pride 2019. Bọn mình muốn Hanoi Pride không chỉ là một dịp để mọi người gặp gỡ, vui chơi, mà còn là khoảng thời gian trong năm gợi nhắc mọi người về sự hiện diện của cộng đồng LGBT+ trong xã hội Việt Nam. Đây là năm đầu tiên ban tổ chức Hanoi Pride có nhiều các hội nhóm tới như vậy, với sự hiện diện đa dạng của các nhóm tính dục thiểu số khác nhau với những nhu cầu khác nhau. Chính vì vậy, mình tin là dù là ai, bạn sẽ luôn tìm được một nơi để tới".



Cầu vồng 6 sắc không đại diện cho 6 nhóm tính dục/giới tính khác nhau khi số lượng các nhóm được thể hiện bằng dấu "+" thực sự còn rất đông. Sau mỗi mùa Pride, người ta thấy rằng đó không chỉ còn là sự kiện cho những người đồng tính khi câu chuyện đã mở thêm nhiều chương cho nhóm người lưỡng tính, vô tính, cộng đồng queer hay những chữ Q không cần nhãn.

"Pride cũng là một dịp tốt để tìm kiếm những "đồng minh" của cộng đồng. Bọn mình rất vui vì nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ từ các đại sứ quán, từ các tổ chức có sức ảnh hưởng lớn như UN. Bằng cách đó, chúng mình chứng minh được sự lớn mạnh của cộng đồng. Mình tin đó là một thông điệp rõ ràng rằng cộng đồng LGBT không cô đơn, và những gì bọn mình làm không vô nghĩa".






Tôi nhìn thấy đâu đó một chút FOMO sau mỗi mùa Pride. Tuy nhiên, đó không phải một nỗi sợ quên lãng cho bản thân mỗi cá nhân trong cộng đồng. Nếu như những mục tiêu cao hơn của những sự kiện Pride – ở quy mô về quyền, còn chưa được thực hiện, đó mới chính là FOMO đáng sợ nhất: quên đi cả cộng đồng.

Là một người hoạt động trong các hoạt động LGBT+ tại Việt Nam rất nhiều năm, anh Phạm Khánh Bình, sáng lập và điều phối viên của Hà Nội Queer cũng có những chia sẻ của riêng mình về câu chuyện những giá trị nhận về đằng sau mỗi mùa Pride.

"Sau mỗi mùa Pride mình đều được nhìn thấy rất nhiều những gương mặt LGBT mới, những bạn trẻ LGBT lần đầu tham gia một hoạt động cộng đồng. Mình năm xưa cũng từng ở vị trí của các bạn ấy, bỡ ngỡ, choáng ngợp, hạnh phúc và những cảm xúc trào dâng mãnh liệt không thể nói thành lời. Những cảm xúc của lần đầu tiên được ở giữa một không gian của những người giống mình, trút bỏ những áp lực nặng nề phải mang khi mình chưa công khai. Và Pride trở thành một trong những sự kiện truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn LGBT trẻ còn đang lúng túng với việc nhận dạng bản thân, việc ứng xử với xã hội và gia đình, có thêm tự tin để bắt đầu cuộc hành trình của mình".



Khó có thể đong đếm được mức độ truyền cảm hứng nhưng những người trong cuộc như Khánh Bình, Nhật Quang là người hiểu rõ nhất họ đã truyền được cảm hứng như thế nào cho người trẻ. Mỗi năm, họ lại thấy những gương mặt mới trong các sự kiện của cộng đồng LGBT+, đầy ý tưởng và nhiệt huyết. Họ đem đến cho cộng đồng LGBT+ những góc nhìn đa chiều và những mong muốn thay đổi lớn lao hơn. Truyền cảm hứng không phải một điều có thể viết ra dễ dàng để xã hội nhìn vào và hiểu; nó lại như một dòng năng lượng tích cực truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác. Sau mỗi mùa Pride, cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam hiểu rằng còn rất nhiều người trẻ sẵn sàng nhập cuộc cho một cuộc tranh đấu, âm thầm và lớn hơn những điều cộng đồng thấy đằng sau những thứ bề nổi "màu mè và làm quá".

Cách đây vài năm, tôi từng có dịp trò chuyện với một người mẹ có con là người LGBT+ tại Hà Nội. Hồi đó, chị đã biết tới PFLAG nhưng số lượng tham gia của các mẹ còn hạn chế. Định kiến vẫn là rào cản lớn khiến các mẹ không thể bước qua được ám ảnh "nhà ấy có con đồng tính". Mùa Pride 2019 có vẻ như đã khác hơn; nói chuyện với anh Huỳnh Minh Thảo – một nhà hoạt động về vấn đề LGBT+ tại Việt Nam nhiều năm nay, anh cũng vui mừng kể về những thay đổi trong các hoạt động của PFAG trong mùa Pride 2019 khi số lượng các phụ huynh với con thuộc cộng đồng LGBT+ đã tăng. Các buổi hội thảo, chia sẻ của những bà mẹ, ông bố không còn bó hẹp trong câu chuyện "làm sao để chấp nhận con" hay "ứng xử như nào nếu con bạn là người LGBT+". Các vấn đề của họ đã chuyển từ việc thay đổi nhận thức, chấp nhận sang tìm giải pháp cho cuộc sống của con, hướng tới một cuộc sống hạnh phúc.



Nếu có một con đường mang tên "tìm kiếm sự công nhận", nó sẽ đi từ việc công nhận và chấp nhận bản thân, có được sự chấp nhận từ gia đình và cuối cùng mới tới cái nhìn tích cực, đúng đắn của xã hội. Với những hoạt động từ các mùa Pride, ưu tiên dành cho bản thân và gia đình vẫn quan trọng hơn cái nhìn từ xã hội – và đó là những điều cộng đồng LGBT+ gặt hái được sau những sự kiện tự hào.

Một thập kỷ hay nhiều năm sau này, các sự kiện Pride có thể biến mất; không ai dám tự tin về sự tồn tại mãi của những tuần lễ tự hào như vậy. Nếu có một sự chấm dứt, ắt hẳn chỉ vì hai điều xảy ra: Cộng đồng LGBT+ đã thực sự có được những điều mình mong muốn, những điều của họ chứ không phải đấu tranh để giành lấy và sự bình đẳng thực sự không còn chỉ là lời hô hào suông; hoặc tuần lễ Pride đã chuyển thành những sự kiện khác, với cái tên khác, có thể không còn là một tuần, một tháng mà quanh năm. Nhưng dù có thay đổi thế nào, bản chất đó vẫn là những sự kiện, hoạt động tạo nên giá trị tích cực cho cộng đồng LGBT+ và xã hội nói chung.

Vì cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam, được rất nhiều điều sau mỗi mùa Pride.
 
Cần đầy đủ thông tin!

Ở đây bạn chỉ có thể xem được nội dung tối giản. Vào CallBoy VN để xem thêm các thông tin ẩn nếu bạn cần. Xem bản đầy đủ